Hàng 'Made in China' bị cả thế giới áp thuế, liệu danh xưng công xưởng siêu rẻ của Trung Quốc có lung lay?
Có sản phẩm Made in China bị áp thuế tới 100%.
Vào những năm 1970, Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới khi bắt đầu cho phép các nhà sản xuất quốc tế mở cửa hàng và sản xuất đồ giá rẻ trong biên giới của mình. Ban đầu, các nhà máy Trung Quốc chỉ sản xuất các sản phẩm như đồ chơi bằng nhựa, sau dần chuyển sang các mặt hàng phức tạp hơn như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và ô tô.
Ngành công nghiệp của Trung Quốc dường như đã trưởng thành kể từ đó: sản xuất các sản phẩm công nghệ đắt tiền với chi phí thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh phương Tây. Hàng tỷ USD tiền trợ cấp của nhà nước đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc hướng tới sự tự chủ trong sản xuất tiên tiến. Chỉ riêng trong năm 2019, chi tiêu công nghiệp của chính phủ Trung Quốc ước tính đạt 406 tỷ USD, tương đương 2% GDP, gần gấp 5 lần số tiền mà Mỹ chi cho các ngành công nghiệp của mình trong năm đó.
Tuy nhiên, các nền kinh tế được hưởng lợi từ hoạt động sản xuất giá rẻ Trung Quốc hiện lo ngại rằng hàng nhập khẩu có thể sẽ sớm tràn ngập thị trường, làm gia tăng thâm hụt thương mại và đẩy các nhà sản xuất ra ngoài. Trước năm 2018, hầu như không có thuế quan ảnh hưởng đến hàng hóa công nghiệp công nghệ của Trung Quốc. EU và Mỹ từ lâu đã là những bên chỉ trích gay gắt nhất, cho rằng các khoản trợ cấp mà Bắc Kinh cung cấp vô hình chung tạo ra tình trạng dư thừa các sản phẩm giá rẻ và làm méo mó hoạt động thương mại. Trung Quốc lập luận rằng ngành công nghiệp của họ chỉ đơn giản trở nên cạnh tranh hơn và chính phủ không nên cản trở người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm có giá trị tốt.
Dẫu vậy, phần còn lại của thế giới vẫn áp thuế lên Trung Quốc trong những năm gần đây.
“Mỹ không đơn độc trong việc coi các hoạt động thương mại của Trung Quốc là không công bằng”, Stewart Paterson, nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức tư vấn thương mại Hinrich Foundation nói.
Vào năm 2024, nhiều quốc gia đã công bố thuế quan ngăn chặn dòng chảy các sản phẩm công nghệ do Trung Quốc sản xuất nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Danh sách được Rest of World tổng hợp lại.
1. Xe đạp điện
*EU áp thuế 62%
Xe đạp điện do Trung Quốc sản xuất sắp chiếm lĩnh thị trường thân thiện ở châu Âu khi doanh số bán hàng ‘made in China’ đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2014-2017. Ủy ban Liên minh châu Âu cho biết trong một báo cáo rằng, chịu sức ép từ các đối thủ Trung Quốc, các nhà sản xuất xe đạp điện châu Âu đã phải giảm sản lượng mặc dù thị trường đang phát triển.
Năm 2019, EU áp thuế đối với xe đạp điện do Trung Quốc. Mức thuế quan thay đổi tùy thuộc vào nhà sản xuất và quy mô thiệt hại trên thị trường châu Âu. Cùng thời điểm đó, EU cũng gia hạn mức thuế quan 48,5% đối với xe đạp thông thường nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến năm 2024, một biện pháp đã được áp dụng từ năm 1993.
2. Xe điện
*Mỹ áp thuế 100%
Khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tham gia chiến dịch tranh cử năm 2024, ông tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với xe điện Trung Quốc. Vào tháng 5, chính quyền Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc từ 25% lên 100%. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện hầu như không xuất khẩu xe đạp điện nào sang Mỹ. Mỹ đã tìm kiếm sự tự chủ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát.
*EU áp thuế 7,8% đến 35,3%
Thị phần xe điện Trung Quốc tại châu Âu tăng vọt từ 0,5% vào năm 2019 lên hơn 8% vào năm 2023. Các thương hiệu như BYD đã trở thành cơn sốt tại triển lãm ô tô lớn nhất châu Âu vào cuối năm 2023. EU đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc ngay sau đó, sau đó đưa ra mốc 35,3% thuế đối với xe điện Made in China.
*Canada áp thuế 100%
Canada đã công bố mức thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, theo sau EU và Mỹ, mặc dù nước này không có nhà sản xuất xe điện trong nước nào để bảo vệ. Tesla, công ty có thể xuất khẩu sang Canada từ Mỹ, có khả năng là bên hưởng lợi lớn nhất.
*Thái Lan: Linh hoạt
Thái Lan, được mệnh danh là Detroit của Châu Á, đang tìm cách chuyển thành cường quốc sản xuất xe điện tại Đông Nam Á. Thuế nhập khẩu đối với xe điện được vận chuyển đến Thái Lan có thể được giảm với điều kiện mỗi công ty sản xuất ô tô phải sản xuất đủ số lượng xe theo yêu cầu tại Thái Lan.
*Ấn Độ áp thuế 15% có điều kiện
Gần đây, Ấn Độ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các loại xe điện đắt tiền hơn để thu hút các nhà sản xuất. Mức thuế suất thấp hơn là 15%, so với mức thuế trước đây từ 70% đến 100%, sẽ áp dụng cho xe điện trên 35.000 USD với một số điều kiện: Các thương hiệu cần đầu tư ít nhất 500 triệu USD vào sản xuất tại địa phương trong 3 năm và đáp ứng các yêu cầu khác. Các nhà phân tích cho biết chính sách này nhằm thu hút các nhà sản xuất xe điện như Tesla đến Ấn Độ.
3. Pin mặt trời
Tuy nhiên, nhiều người coi sự thống trị của Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu đối với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới theo đó đã có động thái đáp trả.
*Mỹ áp thuế 50%
Năm 2014, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã phê duyệt mức thuế quan cao từ 11% đến 78% đối với các tấm pin mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc và các tấm pin từ Đài Loan. Bộ này cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đã hưởng lợi bất công từ các khoản trợ cấp của chính phủ.
Các khu vực khác, bao gồm Canada và EU, cũng áp thuế đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 2024, chính quyền Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ một lần nữa tăng mức thuế đối với các tấm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất, từ 25% lên 50%, để bảo vệ mình.
*Ấn Độ áp thuế 25% đến 40%
Ấn Độ tuyên bố rằng họ sẽ tăng thuế đối với khoảng 30 sản phẩm vào đầu năm 2021, bao gồm các tấm pin mặt trời, bộ sạc và ô tô cũng như các sản phẩm điện tử và nông nghiệp. Các nhà phân tích đánh giá động thái này nhằm mục đích giảm lượng nhập khẩu từ Trung Quốc và khuyến khích sản xuất trong nước.
*Nam Phi áp thuế 10%
Chính quyền Nam Phi áp dụng mức thuế 10% đối với việc nhập khẩu mô-đun và tấm pin mặt trời vào tháng 7 năm 2024. Các nhà chức trách cho biết mức thuế này nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước vì họ không muốn đầu tư vào sản xuất do phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Điều này chủ yếu tác động đến Trung Quốc vì đây là nước xuất khẩu chính các tấm pin mặt trời.
4. Chất bán dẫn
Trung Quốc đang nỗ lực phát triển chất bán dẫn tiên tiến, trong khi các hạn chế của Mỹ đang được đưa ra nhằm ngăn cản tham vọng trên. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu trong thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 có thể đã khiến chính phủ các nước xem xét lại sự phụ thuộc của mình vào chip của Trung Quốc.
*Mỹ áp thuế 50%
Mỹ sẽ tăng thuế đối với chất bán dẫn nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ năm 2025, từ 25% lên 50%. Nếu không có thuế quan, Mỹ có nguy cơ để Trung Quốc thống trị hoạt động sản xuất.
*Ấn Độ áp thuế 20%
Ấn Độ áp dụng thuế quan 20% đối với chất bán dẫn và các thiết bị tương tự để tự giúp mình gia nhập hàng ngũ cường quốc sản xuất chip. Vào tháng 2, chính phủ công bố khoản đầu tư trị giá 12,5 tỷ USD vào các nhà sản xuất chip trong nước.
5. Thiết bị điện tử tiêu dùng
Trong nhiệm kỳ đầu tiên làm tổng thống, ông Donald Trump đã tìm cách tái cân bằng thương mại với Trung Quốc và khuyến khích các công ty Mỹ đưa hoạt động sản xuất quay về bằng cách áp thuế đối với hàng nghìn sản phẩm, bao gồm nhiều thiết bị và đồ gia dụng sản xuất tại Trung Quốc.
*Mỹ áp thuế 15% đến 30%
Vào năm 2018, Mỹ phát động một cuộc chiến thương mại toàn diện. Sau nhiều tháng đàm phán, chính quyền tuyên bố rằng khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế bổ sung, bao gồm nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng.
*Ấn Độ áp thuế 10% đến 20%
Ấn Độ đã tăng thuế đối với một số thiết bị điện tử cá nhân và đồ gia dụng từ 10% lên 20% vào năm 2020. Những sản phẩm này bao gồm máy ảnh, màn hình, máy chiếu, máy ghi âm, lò nướng, máy nướng bánh mì và máy sấy tóc. Mức thuế được cho là sẽ thúc đẩy các ngành sản xuất trong nước với mục đích biến quốc gia này thành trung tâm phát triển và sản xuất.
Theo: CNBC, Rest of World
Theo Vũ Anh (Nhịp sống thị trường)